Blog

Trong quá trình sử dụng máy hàn điện có rất nhiều mối nguy hiểm xung quanh công nhân hàn và những người xung quanh. Vì vậy người công nhân đảm bảo quy trình đúng quy trình an toàn lao động trong sử dụng máy hàn, đặc biệt là máy hàn điện, để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.

Đối với công nhân sử dụng máy hàn: lưu ý khi sử dung máy hàn

– Được huấn luyện về quy trình an toàn trong kỹ thuật sử dung máy hàn điện, công nhân phải có sức khỏe tốt
-Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động khi sử dụng máy hàn: Quần áo, kính hàn, găng tay, tạp dề… có găng tay và giày cách điện để giảm rủi ro giật điện. Tại vị trí hàn phải có thảm hoặc bục cách điện
Đối với máy hàn điện

– Máy hàn ở tình trạng tốt, phải đảm bảo an toàn, bao bọc tốt, vỏ máy phải được nối đất. Quy phạm nối đất, nối không các thiết bị điện, các cực điện vào và ra phải được kẹp bằng bu lông và bọc cách điện
– Kìm hàn đảm bảo có tay cầm bằng vật liệu cách điện và chịu nhiệt. Dây điện hàn không bị tróc vỏ bọc, dây mát cũng phải là loại vỏ bọc, các mối nối phải được bao kín bằng băng keo cách điện. Không sử dụng kím hàn tự chế, kìm hàn bị hỏng
Đối với nơi làm việc máy hàn điện:

-Đấu hàn phải do thợ điện thực hiện, phải qua cầu dao, áp tô mát. Mỗi máy hàn phải được cấp điện từ một cầu dao riêng. Cấm rải dây điện trên mặt đất, để dây điện va chạm vào sắt thép, vật kim loại.
-Đặt máy hàn ở nơi không có người qua lại. Khu vực hàn khi không cách ly với khu vực làm việc khác phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy. Khi hàn điện ở nơi có nguy cơ cháy nổ phải tuân theo các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
– Khi hàn trên cao phải làm sàn bằng vật liệu chống cháy. Nếu không có sàn thì thợ hàn phải đeo dây an toàn, đồng thời phải có túi đựng dụng cụ và mẩu que hàn thừa.
– Phải có biện pháp che chắn bảo vệ, không để các giọt kim loại nóng đỏ, mẩu que hàn thừa, các vật kiệu khác rơi xuống người và các vật liệu dễ cháy bên dưới.
Trong quá trình hàn của máy hàn điện
– Công nhân hàn phải có trách nhiệm theo dõi tình trạng hoạt động của máy hàn trong quá trình làm việc. Khi có sự cố hỏng hóc phải báo ngay cho thợ điện sửa chữa.
– Khi hàn bên trong các hầm, khoang, bể kín phải có người nắm vững kĩ thuật an toàn đứng giám sát. Người vào hàn phải đeo dây an toàn nối với dây dẩn tới chổ người giám sát (để cắt điện kịp thời và cấp cứu khi có sự cố).
– Cấm hàn ở các hầm, khoang, bể kín đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ xảy ra cháy nổ.
– Thực hiện thông gió, hút bụi và phải thực hiện thông gió hút cục bộ ở chổ tiến hành hàn. Không khí hút phải thải ra ngoài khu vực lấy không khí cấp.
– Chiếu sáng khi tiến hành sử dụng máy hàn để hàn trong các thùng, khoang, bể kín.

Phương pháp hàn nguội Lock-N-Stitch (LNS) đã được thế giới ứng dụng hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, trước đây các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu sửa chữa bằng phương pháp này phải thuê mướn chuyên gia từ nước ngoài vì chưa được chuyển giao cho Việt Nam bởi chế độ bảo hộ bản quyền, quy trình chuyển giao khó khăn.

Mới đây, công nghệ hàn đưa ra phương pháp ưu việt này đã được Công ty TNHH Hàng hải và công nghiệp Hải Dương (69/36 D2 P25 Q. Bình Thạnh Tp. Hồ Chí Minh) nhận chuyển giao từ đối tác Hàn Quốc, mở ra những tiện ích cho các doanh nghiệp trong nước khi tiếp cận công nghệ này.

Công nghệ hàn

Ứng dụng công nghệ hàn trong nhiều lĩnh vực

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, các chi tiết bằng gang chiếm từ 50% đến 80% khối lượng kim loại do có các ưu điểm: giá thành rẻ, tính đúc tốt, tính gia công cắt gọt tốt, khả năng chịu mài mòn cao. Tuy nhiên, do cơ tính của gang có đặc điểm không chịu các ứng suất kéo/uốn nên dễ bị nứt, vỡ trong quá trình sử dụng. Do đó, Phương pháp “hàn nguội” (Metal Stitching) được Công ty Lock-N-Stitch (Mỹ) nghiên cứu hoàn thiện bao gồm cả quy trình, vật liệu, công cụ hỗ trợ… đã trở thành phương pháp chủ yếu để sửa chữa các vết nứt/vỡ của gang cũng như các kim loại khó hàn khác: nhôm, thép hợp kim… ở tất cả các thiết bị công nghiệp.

Với tính ưu việt là hàn hiệu quả trên nhiều vật liệu kim loại, LNS được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: tàu biển (nắp quy lát, block máy, bệ máy, xy lanh, áo nước làm mát xy lanh, vỏ tua bin tăng áp, vỏ bơm, vỏ hộp số, bánh răng…); nhà máy sản xuất vỏ xe và đúc các sản phẩm cao su (khuôn đúc, block máy nén…); nhà máy xi măng (lò nung, máy nghiền, vỏ bơm, hộp giảm tốc…); nhà máy nhiệt điện (tua bin khí, tua bin hơi); nhà máy thép (ru lô cán, khuôn ép, khuôn dập, hộp giảm tốc…); nhà máy nước, đường, hóa chất, hóa dầu…; và các lĩnh vực khác. Theo các chuyên gia Công ty Lock-N-Stitch, bất cứ các chi tiết bằng kim loại khó hàn nào cũng đều có thể sửa chữa, phục hồi bằng phương pháp LNS. Tuy nhiên, hiện nay, ứng dụng nhiều nhất trong công nghệ sửa chữa tàu biển.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, đối tác chuyển giao cho Công ty TNHH Hàng hải và công nghiệp Hải Dương, phương pháp LNS có những đặc điểm ưu việt hơn các phương pháp hàn khác. Đó là thao tác thực hiện đơn giản do có sự hỗ trợ của các dụng cụ được chế tạo đặc biệt như mũi khoan, mũi ta rô, mũi cắt mặt, dưỡng khoan…

Thời gian thực hiện sửa chữa nhanh, chi phí sửa chữa thấp. Có thể sửa chữa hư hỏng ở mọi vị trí: bề mặt, góc trong, góc ngoài, lỗ ren… Chất lượng sửa chữa tốt, không bị nguy cơ biến dạng do nhiệt, phục hồi chi tiết gần bằng trạng thái ban đầu. Có thể sửa chi tiết chịu áp lực đến 200 bar, nhiệt độ làm việc đến 1.500oC. Với trang bị gọn nhẹ, dụng cụ chuyên dụng và kỹ thuật viên lành nghề, có thể sửa chữa tại chỗ trong nhiều trường hợp, ngay cả trong lúc máy đang hoạt động.

Tiện ích công nghệ hàn cho doanh nghiệp trong nước

Theo các kỹ sư hàn trong lĩnh vực tàu biển, lâu nay trong nước vẫn sử dụng chủ yếu phương pháp hàn nhiệt. Đây là phương pháp truyền thống nhưng trong một số trường hợp thì không mấy hiệu quả. Chẳng hạn cách đây không lâu, một block máy phát điện Daihatsu của Hyundai-Vinashin Shipyard Co.,Ltd bị vỡ đã được sửa chữa bởi các chuyên gia Hàn Quốc bằng phương pháp LNS, mà không thể sửa chữa bằng hàn nhiệt.

Qua phân tích của các chuyên gia Công ty TNHH Hàng hải và công nghiệp Hải Dương về công nghệ hàn, nếu so sánh sẽ thấy những ưu điểm vượt trội của hàn nguội so với hàn nhiệt. Đối với hàn nhiệt, yêu cầu phải gia nhiệt có kiểm soát vật hàn đến khoảng 500oC, sau khi hàn cũng phải làm nguội có kiểm soát; đòi hỏi tay nghề cao, trang bị kỹ thuật đầy đủ. Khi hàn, các chi tiết máy phải được tháo rời hoàn toàn, sau khi hàn phải đem lắp lại nên rất tốn kém và mất thời gian.

Công nghệ hàn nhiệt chỉ có thể hàn tốt các chi tiết tương đối nhỏ, có độ cứng vững kết cấu cao như nắp quy lát, vỏ hộp số… Có nhiều trường hợp rất khó hàn nhiệt do môi trường dễ cháy nổ, kích thước vật hàn lớn. Chất lượng mối hàn tốt, tuổi thọ lâu, nhưng nếu xử lý không tốt có thể dẫn đến tình trạng biến dạng hay nứt vỡ, khó sửa chữa lại hoặc thậm chí phải thay mới.

Trong khi đó, hàn nguội được sử dụng phổ biến trên thế giới; không cần xử lý nhiệt; dễ thao tác; không cần tháo rời các chi tiết máy, thậm chí có thể sửa chữa trong lúc máy đang hoạt động. Đặc biệt, có thể sửa chữa hầu hết các hư hỏng của tất cả thiết bị công nghiệp với tuổi thọ lâu, kết cấu bền vững, có thể hoạt động lâu dài như nguyên thủy.

Hiện nay, nhiều đơn vị trong nước về các lĩnh vực sửa chữa ô tô, tàu biển đã tiếp cận với phương pháp hàn LNS. Qua đánh giá cho thấy đây là phương pháp ứng dụng hiệu quả và cần được nhân rộng. Công ty TNHH Hàng hải và công nghiệp Hải Dương đã thành lập Trung tâm dịch vụ sửa chữa vết nứt kim loại ứng dụng công nghệ “Hàn nguội” LNS. Đã triển khai sửa chữa được một số hư hỏng như: nắp quy lát, block máy phát điện, bệ máy, vỏ tua bin… Sau khi được sửa chữa, các chi tiết này được đưa vào sử dụng và đang vận hành tốt.

Theo TTXVN 27/3/2008, tỉnh Quảng Trị mới khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất que hàn Xuyên Á tại cụm công nghiệp – làng nghề Diên Sanh, đây là nhà máy sản xuất que hàn lớn nhất miền Trung.

Trên khuôn viên rộng gần 33.000 m2, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất que hàn Xuyên Á có tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng này sẽ hình thành hệ thống nhà xưởng với dây chuyền công nghệ hiện đại, tân tiến nhất của thế giới, công suất đạt trên 100.000 tấn sản phẩm/mỗi năm. Theo ông Lê Ngọc Ly – Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang cho biết đặt nhà máy này tại Quảng Trị là thuận lợi và hiệu quả cả đôi đường. Quảng Trị là tỉnh có nhiều quặng ti-tan, một trong những nguyên liệu chính để sản xuất que hàn. Lâu nay các cơ sở khai thác ti-tan đều bán sản phẩm dạng thô, nay có 2 xưởng chế biến của Nhà máy (1 đặt tại Khu công nghiệp Quán Ngang và 1 đặt ngay tại Nhà máy) thu mua và chế biến đã làm cho nguồn khoáng sản được khai thác có giá trị lên nhiều.

Que hàn miền Trung

Mặt khác, tại miền Trung đang phát triển công nghiệp cơ khí nhưng chưa có nhà máy sản xuất que hàn, lâu nay phải đi nhập các nơi khác về để phục vụ sản xuất, nay sự xuất hiện của Nhà máy Sản xuất que hàn Xuyên Á đã góp phần phục vụ sản xuất của khu vực miền Trung… Đó là chưa kể khi nhà máy đi vào sản xuất thì giải quyết việc làm cho trên 300 lao động kỹ thuật và phổ thông, đồng thời tạo sự “sinh động” thêm cho các ngành dịch vụ khác.

Cũng theo giám đốc Lê Ngọc Ly, mục tiêu của Dự án này còn vươn xa hơn nữa, đó là góp phần cung ứng sản phẩm que hàn cao cấp cho công nghiệp đóng tàu thuỷ của Việt Nam, trong đó có nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu thuỷ tại Cửa Việt (Quảng Trị) của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ VINASHIN, ngoài ra còn phục vụ xuất khẩu. Được hỏi về tiến độ của Dự án, ông Ly cũng khẳng định là sau 18 tháng kể từ ngày khởi công, Nhà máy sẽ đi vào sản xuất chính thức cuối năm 2009 và ông Ly còn cho biết thêm, Công ty sẽ phấn đấu trong sản xuất-kinh doanh để rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư xuống còn 10 năm thay vì trước đây dự kiến là 15 năm. Và để tạo thêm sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh về tài chính, sắp tới Công ty TNHH Hiếu Giang sẽ cổ phần hoá để đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện Dự án và đảm bảo tính bền vững về sản xuất-kinh doanh sau này.